Chúng ta thường nghe nói đến cụm từ “nguyên tố hóa học”. Vậy nguyên tố hóa học là gì? Bài viết hôm nay sẽ giúp các bạn hiểu rõ về khái niệm này, cũng như tìm hiểu thêm một khái niệm là “nguyên tử khối”. Nắm được những kiến thức này sẽ giúp các bạn học hóa hiệu quả hơn đấy. Bây giờ chúng ta cùng tìm hiểu các bạn nhé!
I. Nguyên tố hóa học là gì?
Nguyên tố hóa học là những nguyên tử cùng loại, có cùng số proton trong hạt nhân. Đây là định nghĩa cơ bản của nó. Ngoài ra, còn có cách định nghĩa khác như sau:
Nguyên tố hóa học là những nguyên tử có cùng điện tích hạt nhân.
Như vậy, số p là số đặc trưng của một nguyên tố hóa học. Tất cả các nguyên tử của cùng một nguyên tố đều có cùng số p và số e. Và các nguyên tử này có tính chất hóa học giống nhau.
nguyen-to-hoa-hocnguyen-to-hoa-hoc
II. Kí hiệu hóa học của một nguyên tố
Kí hiệu hóa học của một nguyên tố được sử dụng thống nhất trên toàn thế giới, được biểu diễn bằng 1 hoặc 2 chữ cái với chữ đầu tiên được viết in hoa.
Ví dụ: Kí hiệu hóa học của sắt là Fe, của Canxi là Ca, của oxi là O.
Từ những kí hiệu hóa học đơn lẻ sẽ tạo nên công thức hóa học của các phân tử được hợp thành từ những KHHH này.
III. Nguyên tử khối
Nguyên tử khối là khối lượng của một nguyên tử tính bằng đơn vị cacbon. Quy ước lấy 1/12 khối lượng của nguyên tử cacbon làm đơn vị khối lượng nguyên tử. Như vậy, ta có:
- Cacbon = 12 đvC
- Hidro = 1 đvC
- Oxi = 16 đvC
- Sắt = 56 đvC
- …
IV. Có bao nhiêu nguyên tố hóa học
Hiện nay, các nhà khoa học đã tìm được trên 110 nguyên tố hóa học. Trong đó có 98 nguyên tố có trong tự nhiên (trên Trái Đất, trong các ngôi sao, mặt Trăng, mặt Trời…). Các nguyên tố còn lại là các nguyên tố nhân tạo do con người tạo ra.
Trong vỏ Trái Đất, Oxi là nguyên tố nhiều nhất, chiếm khoảng 49.4%. Oxi, Hidro, Nito và Cacbon là những nguyên tố thiết yếu cho sự sống.