Liên kết hóa học là gì? Khi nghe đến khái niệm này, chúng ta mường tượng đến sự gắn kết trong hóa học. Nhưng cụ thể sự gắn kết hay liên kết đó đến từ đâu. Ý nghĩa của sự liên kết này là gì? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu trong bài viết hôm nay. Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ cùng nhau tìm hiểu thế nào là quy tắc bát tử (8 electron) trong hóa học.
I. Liên kết hóa học là gì
Liên kết hóa học là sự kết hợp giữa các nguyên tử để tạo nên các phân tử hay tinh thể bền vững hơn. Nói cách khác, đây là lực giữ cho các nguyên tử cùng nhau trong các cấu trúc kể trên.
Các nguyên tử kết hợp với nhau để tạo nên cấu trúc bền vững hơn dạng phân tử hoặc tinh thể. Trong sự kết hợp này, các nguyên tử có xu hướng đạt tới cấu hình bền vững của khí hiếm.
II. Các dạng liên kết hóa học
Các loại liên kết hóa học cơ bản như sau:
- Liên kết ion (hay liên kết điện hóa trị)
- Liên kết cộng hóa trị
- Liên kết kim loại
- Liên kết hidro
Bản chất của mọi LK hóa học là sự phát sinh tương tác giữa các điện tử của các nguyên tử khác nhau đến hình thành liên kết chính là sự giảm mức năng lượng. Các quá trình hình thành liên kết luôn có năng lượng entanpi < 0.
lien-ket-hoa-hoc-la-gilien-ket-hoa-hoc-la-gi
III. Quan hệ giữa độ âm điện và liên kết hóa học
Người ta có thể dựa vào hiệu độ âm điện để đánh giá loại liên kết trong một hợp chất. Các liên kết được phân loại một cách tương đối theo quy ước kinh nghiệm dựa vào thang độ âm điện của Linus Pauling:
- 0 < hiệu độ âm điện < 0.4: liên kết cộng hóa trị không phân cực
- 0.4 < hiệu độ âm điện < 1.7: liên kết cộng hóa trị phân cực
- Hiệu độ âm điện > 1.7: liên kết ion
Cách xác định loại liên kết hóa học trong phân tử dựa theo hiệu độ âm điện chỉ là dự đoán về mặt lý thuyết. Cần có những phương pháp thực nghiệm để xác thực tính đúng đắn của dự đoán này.
IV. Quy tắc bát tử (8 electron)
Như chúng ta đã biết, Heli có 2 electron lớp ngoài cùng và các nguyên tử khí hiếm khác có 8 electron ở lớp electron ngoài cùng. Cấu hình electron của các khí hiếm này là bền vững. Do đó, chúng kém hoạt động hóa học và tồn tại dưới dạng nguyên tử riêng rẽ trong tự nhiên.
Quy tắc bát tử: Nguyên tử của các nguyên tố có xu hướng liên kết với các nguyên tử khác để đạt được cấu hình bền vững của khí hiếm với 8 electron ở lớp ngoài cùng (hoặc 2 electron đối với Heli).
Dựa vào quy tắc bát tử, người ta có thể giải thích sự hình thành các loại liên kết hh trong phân tử một cách định tính. Đặc biệt là cách viết công thức hóa học trong các hợp chất thông thường.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp phân tử phức tạp thì quy tắc này lại không đầy đủ.
Trên đây là những khái niệm liên quan đến liên kết hóa học. Chính từ đây mà những phân tử, những tinh thể được hình thành. Chi tiết từng loại liên kết mời các bạn tìm đọc ở những bài viết liên quan trên website yeuhoahoc.com. Hi vọng bài viết này hữu ích với các bạn. Chúc các bạn thành công!