Độ âm điện là gì? Trong một chu kỳ và một nhóm thì độ âm điện biến đổi như thế nào? Giá trị của chúng là bao nhiêu cho các nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu qua bài viết ngày hôm nay nhé!
I. Độ âm điện là gì?
Độ âm điện của một nguyên tử là đại lượng đặc trưng cho khả năng hút electron của nguyên tử đó khi tạo thành liên kết hóa học.
do-am-diendo-am-dien
Như vậy:
– Độ âm điện của nguyên tử càng nhỏ → tính kim loại của nguyên tố đó càng mạnh.
– Độ âm điện của nguyên tử càng lớn → tính phi kim của nguyên tố đó càng mạnh.
Có nhiều thang độ âm điện khác nhau nhưng phổ biến nhất là thang độ âm điện của Pauling thiết lập năm 1932. Ông quy ước lấy độ âm điện của Flo (vì Flo là phi kim mạnh nhất) để xác định cho các nguyên tố còn lại.
Vậy là chúng ta đã biết thế nào là độ âm điện rồi, vậy chúng biến đổi như thế nào trong bảng tuần hoàn? Mời bạn tham khảo tiếp nhé!
II. Sự biến đổi giá trị độ âm điện
Độ âm điện của các nguyên tố trong bảng tuần hoàn biến đổi theo quy luật xác định. Đó là:
- Trong cùng một chu kỳ: theo chiều điện tích hạt nhân tăng dần (từ trái sang phải) → độ âm điện của nguyên tử các nguyên tố thường tăng dần.
- Trong cùng một nhóm A: theo chiều điện tích hạt nhân tăng dần (từ trên xuống dưới) → độ âm điện thường giảm dần.
III. Hiệu độ âm điện và liên kết hóa học
Hiệu độ âm điện là hiệu số giá trị độ âm điện của nguyên tử của hai nguyên tố hóa học. Dựa vào hiệu độ âm điện, người ta có thể dự đoán được kiểu liên kết hóa học của một phân tử.
Cách tính hiệu độ âm điện rất đơn giản. Bạn chỉ việc lấy giá trị lớn hơn của nguyên tử nguyên tố này trừ đi giá trị nhỏ hơn của nguyên tử nguyên tố kia là xong.
1. Liên kết cộng hóa trị không cực
Hiệu độ âm điện của các nguyên tử tham gia liên kết hóa học: 0 – < 0.4 thì liên kết này được gọi là liên kết cộng hóa trị không phân cực. Độ phân cực của liên kết < 0.4 quá nhỏ đến mức không xác định được trong thực tế.
2. Liên kết cộng hóa trị có cực
Liên kết cộng hóa trị có cực được tạo thành từ những nguyên tử có hiệu độ âm điện có giá trị từ 0.4 – < 1.7. Giá trị này càng lớn, độ phân cực càng cao.
3. Liên kết ion
Khi giá trị này ≥ 1.7 thì liên kết này được gọi là liên kết ion. Khi đó nguyên tử có độ âm điện lớn hơn có khả năng hút electron đủ mạnh để nhận hoàn toàn e của nguyên tử còn lại, để tạo thành ion âm. Nguyên tử mất e trở thành ion dương.
IV. Bảng độ âm điện của các nguyên tố
Dưới đây là bảng độ âm điện của các nguyên tố hóa học trong bảng tuần hoàn.
1. Độ âm điện của kim loại kiềm
- Độ AĐ của Li: 0.98
- Độ AĐ của Na: 0.93
- Độ AĐ của K: 0.82
- Độ AĐ của Rb: 0.82
- Độ AĐ của Cs: 0.79
2. Độ âm điện của kim loại kiềm thổ
- Độ AĐ của Be: 1.57
- Độ AĐ của Mg: 1.31
- Độ AĐ của Ca: 1.00
- Độ AĐ của Sr: 0.95
- Độ AĐ của Ba: 0.89
3. Độ âm điện của halogen
- Độ AĐ của F: 3.98
- Độ AĐ của Cl: 3.16
- Độ AĐ của Br: 2.96
- Độ AĐ của I: 2.66
- Độ AĐ của At: 2.20
4. Độ âm điện của khí hiếm
- Độ AĐ của khí hiếm He: không có dữ liệu
- Độ AĐ của khí hiếm Ne: không có dữ liệu
- Độ AĐ của khí hiếm Ar: không có dữ liệu
- Độ AĐ của khí hiếm Kr: 3.00
- Độ AĐ của khí hiếm Xe: 2.60
- Độ AĐ của khí hiếm Rn: không có dữ liệu
Lời kết
Trên đây là những vấn đề xoay quanh chủ đề ngày hôm nay “độ âm điện là gì”. Hi vọng các bạn đã có cho mình những kiến thức cần thiết qua bài viết ngày hôm nay. Các bạn cũng có thể tìm một số bài tập độ âm điện trong sách giáo khoa hoặc trên mạng để làm cho nhuần nhuyễn nhé!
Ngoài ra, các bạn cũng nên tìm hiểu khái niệm về ái lực electron. Ái lực electron của một nguyên tử là năng lượng tỏa ra hay hấp thụ khi một nguyên tử trung hòa điện tích và cô lập (ở thể khí) nhận 1 electron để tạo thành ion mang điện tích 1–. Khi tìm hiểu về liên kết hóa học thì bạn cần nắm rõ cả hai khái niệm này. Chúc các bạn thành công!