Chất là gì? Chúng ta hay nói là chất này, chất kia, chất A, chất B… Vậy chất trong hóa học là gì? Chất và vật thể khác nhau chỗ nào? Như chúng ta đã biết hóa học là môn khoa học tự nhiên nghiên cứu về chất và sự biến đổi chất. Do đó chúng ta phải nắm được bản chất của chất phải không nào?
Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ làm rõ thế nào là chất, vật thể cũng như tìm hiểu chất tinh khiết và hỗn hợp là gì. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ tìm hiểu mở rộng hơn về những cách tách chất ra khỏi hỗn hợp. Bây giờ mời bạn cùng bắt đầu nhé!
chat-la-gi-1chat-la-gi-1
I. Chất là gì? Chất có ở đâu?
Thử quan sát xung quanh, có rất nhiều thứ rất quen thuộc với chúng ta như quần áo, giầy dép, sách vở, xe cộ, nhà cửa, động thực vật, thậm chí là cơ thể con người… là những vật thể. Trong đó, có vật thể tự nhiên và vật thể nhân tạo.
- Vật thể tư nhiên: là những vật thể có trong tự nhiên như rừng cây, đồi núi, sông hồ, cây cỏ, động thực vật, con người… Những vật thể tự nhiên này được tạo ra từ những chất khác nhau.
- VÍ dụ: Cây rừng có chứa các chất như xenlulozo, nước…; nước biển có chứa muối ăn Natri Clorua (NaCl), vỏ xò có chứa canxi cacbonat (CaCO3)…
Chất trong các ví dụ là Xenlulozo, nước, natri clorua, canxi cacbonat có trong các vật thể là cây rừng, nước biển và vỏ xò.
- Vật thể nhân tạo: là những vật thể được con người tạo ra từ các chất nhất định như quần áo, giày dép, dụng cụ học tập, xe cộ, công cụ sản xuất… Những vật thể này được tạo ra từ một chất hoặc từ hỗn hợp của hai hay nhiều chất.
- Ví dụ: Quần áo được làm từ polyester, máy bay được làm từ nhôm, niken…
Chất trong các ví dụ là polyester, nhôm, niken có trong các vật thể là quần áo, niken
Như vậy, chất có ở khắp nơi xung quanh chúng ta. Chất có trong tự nhiên hoặc do con người tạo ra. Trong các vật thể có chứa một hoặc nhiều chất. Ở đâu có vật thể là ở đó có chất.
Vậy là chúng ta đã hiểu được chất là gì và chất có ở đâu rồi phải không nào. Tiếp theo, mời các bạn cùng tìm hiểu chất có những tính chất nào nhé!
II. Tính chất của chất
Khi nói về một chất, ta sẽ nói về tính chất vật lý và hóa học của chúng. Mỗi chất sẽ có những tính chất vật lý và hóa học riêng. Vậy thì thế nào là tính chất vật lý, tính chất hóa học là như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!
– Tính chất vật lý: là các tính chất về trạng thái (khí, lỏng, rắn), màu, mùi, vị, nhiệt độ sôi, nhiệt độ nóng chảy, nhiệt độ thăng hoa, tính tan, tính dẫn điện, điểm chớp cháy, điểm đông đặc, độ nhớt…
– Tính chất hóa học: là khả năng biến đổi thành chất khác qua các phản ứng hóa học như phân hủy, bốc cháy, ăn mòn…
chat-la-gi-2
Câu hỏi đặt ra ở đây là làm sao chúng ta xác định được tính chất của các chất? Dưới đây là các cách nhận biết và xác định tính chất của chúng:
- Quan sát: có thể cho chúng ta biết được trạng thái (khí, lỏng, rắn), màu sắc của chất
- Dùng dụng cụ đo: chúng ta có thể xác định được các tính chất như nhiệt độ sôi, nhiệt độ nóng chảy, khối lượng riêng, pH, hàm lượng rắn, chỉ số khúc xạ, điểm chớp cháy…
- Làm thí nghiệm: thí nghiệm giúp chúng ta xác định được tính tan, tính dẫn điện, dẫn nhiệt… của chất.
Khi hiểu được tính chất của chất, chúng ta có thể xác định, phân biệt chất này với chất khác cũng như ứng dụng chúng trong đời sống và sản xuất một cách hiệu quả.
III. Chất tinh khiết là gì? Hỗn hợp là gì?
Thế nào là chất tính khiết và hỗn hợp? Không phải ai cũng phân biệt được hai khái niệm này, mặc dù nó khá đơn giản thôi ạ.
1. Chất tinh khiết là chất gì?
Chất tinh khiết là chất không lẫn với chất khác. Ví dụ như nước cất, kim cương, vàng…
2. Hỗn hợp là gì?
Hai hay nhiều chất trộn lẫn vào nhau được gọi là hỗn hợp. Ví dụ: nước mưa, nước sông, thép…
Cách tách chất ra khỏi hổn hợp
Làm thế nào để tách một chất ra khỏi hỗn hợp? Người ta dựa vào sự khác nhau về tính chất vật lý của các chất trong hỗn hợp để tách nó ra khỏi hỗn hợp bằng một số phương pháp sau đây:
- Phương pháp lọc (dựa vào độ tan): dùng để tách chất không tan ra khỏi hỗn hợp lỏng. Ví dụ: trong cốc nước cất có chứa vài mãnh kim loại bạc. Lọc bạc ra khỏi nước ta được 2 chất riêng biệt là bạc và nước cất.
- Phương pháp chiết (dựa vào khả năng tan): dùng để tách các chất ra khỏi hỗn hợp lỏng không đồng nhất (phân lớp). Ví dụ: Chiết dầu ra khỏi nước do dầu không tan trong nước.
- Phương pháp chưng cất phân đoạn (dựa vào nhiệt độ sôi khác nhau): dùng để tách chất lỏng ra khỏi hỗn hợp lỏng. Ví dụ: chưng cất các sản phẩm của dầu mỏ do nhiệt độ sôi của chúng khác nhau.
- Phương pháp cô cạn: dùng để tách các chất rắn tan không bay hơi khi đun nóng ở nhiệt độ cao ra khỏi hỗn hợp chất lỏng. Ví dụ: cô cạn cốc nước muối ta thu được muối ăn Natri clorua sau khi nước đã bay hơi hết.
Như vậy, dựa vào sự khác nhau về tính chất vật lý, bằng một số phương pháp nhất định, chúng ta có thể tách chất ra khỏi hỗn hợp.
Lời kết
Hi vọng qua bài viết hôm nay, các bạn đã có thể trả lời được các câu hỏi như chất là gì, chất có ở đâu, thế nào là chất tinh khiết và hỗn hợp. Bên cạnh đó, chúng ta cũng biết được những tính chất vật lý, hóa học của chất là những tính chất gì. Thêm nữa, chúng ta cũng đã tìm hiểu dựa vào đâu để chúng ta tách chất ra khỏi hỗn hợp rồi phải không nào? Hi vọng bài viết này hữu ích với các bạn! Chúc các bạn thành công!