Than bùn là gì? Than bùn là một loại than khá phổ biến và quen thuộc với chúng ta. Tuy nhiên không phải ai trong chúng ta cũng biết được nguồn gốc, sự hình thành, phân loại cũng như công dụng của loại than này. Trong bài viết ngày hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về loại than được sử dụng rộng rãi này các bạn nhé.
I. Than bùn là gì?
Than bùn là loại than được hình thành do sự tích tụ và phân hủy không hoàn toàn của thực vật trong điều kiện yếm khí xảy ra liên tục trong đất như đầm lầy, đồng hoang và núi lửa.
Nó được tạo ra bởi hiện tượng phân giải yếm khí do thực vật, cây rừng bị vùi lấp bởi phù sa lâu ngày trong quá trình hình thành cấu tạo địa chất.
Than bùn được phát hiện ở nhiều nơi có khí hậu ẩm thấp. Tuy nhiên, người ta vẫn tìm thấy chúng ngay cả ở những vùng đất lạnh giá như Canada, Siberia, Scandinavia…
Than bùn thuộc nhóm nào? Nó thuộc nhóm nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt…
II. Than bùn hình thành như thế nào
Quá trình hình thành than bùn thường diễn ra tại các vùng đất trũng, ngập nước. Những vùng này có điều kiện thuận lợi cho các loài thực vật phát triển. Tuy nhiên, lớp thổ nhưỡng ở nhưng nơi này lại luôn trong điều kiện yếm khí. Sinh khối các loài cỏ tăng nhanh nhưng quá trình phân giải xác thực vật lại xảy ra chậm dẫn tới sự tích lũy hữu cơ. Tiếp theo cỏ là các loài lau, lách, cây bụi, cây thân gỗ thay thế, kết hợp với quá trình kiến tạo địa chất, lắng đọng, bồi tụ phù sa đã chôn vùi chúng. Sự tích lũy hữu cơ các loài thực vật trên ngày càng lớn tích tụ thành các lớp và tạo thành than bùn.
Từ than bùn có thể hình thành nên than đá. Dưới độ sâu chôn lấp ngày càng lớn, nhiệt độ ngày càng cao, trầm tích than bùn sẽ biến đổi thành than non. Theo thời gian, những lớp than thấp hơn dần chuyển thành than Subbituminous và than bitum. Dưới những điều kiện nhất định chúng sẽ dần chuyển thành than đá.
Vậy là chúng ta đã biết than bùn hay đất than bùn là gì rồi phải không nào? Tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu tính chất của loại than này các bạn nhé!
III. Tính chất của than bùn
Tính chất của than bùn có gì đặc biệt so với các loại than khác. Chúng ta cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!
1. Tính chất vật lý
– Than bùn có đặc tính sợi, độ tơi xốp cao, cấu trúc lỏng lẻo.
– Nhuyễn và mịn
– Có độ ẩm cao, trung bình khoảng 42.1%
– Có mức độ phân giải tương đối cao, trung bình khoảng 35.5%. Than ở độ sâu càng sâu thì khả năng phân giải càng lớn.
– Tầng mặt của than bùn thường nặng hơn các tầng sâu bên dưới vì tầng mặt có lẫn với các khoáng chất trong quá trình tích lũy tự nhiên.
Than bùn được phân biệt với các loại than khác dựa vào các đặc điểm như sau:
- Lượng C dưới 60%
- Có độ ẩm trên 75%
- Có thể cắt được bằng dao
- Thường chứa xenlulo tự do
2. Tính chất hóa học
Tính chất của than bùn về mặt hóa học như sau:
- Thành phần hóa học của than bùn gồm các nguyên tố hóa học như C, H, N, O, S… và các chất trung, vi lượng như Fe, Si, Mg, Ca, K…
- Hàm lượng các chất hữu cơ được phân hủy từ xác thực vật khoảng 65%
- Chứa acid humic và mùn tạo nên màu sắc đặc trưng nâu đậm đến đen.
- Chứa acid humic và acid fulvic tốt cho sự phát triển của cây trồng.
IV. Phân loại than bùn
Than bùn được phân loại như thế nào? Nó có thể được phân loại theo nhiều cách khách nhau gồm các dạng thô, mịn và dạng nhựa.
Tại Việt Nam hiện nay, than bùn được chia làm 3 loại (than đã qua sàng và nghiền, đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh):
- Loại 1: màu đen, độ mịn qua sàng 3.5mm, độ ẩm 20-30%, hàm lượng hữu cơ 30-35%.
- Loại 2: màu đen lẫn nâu, độ mịn qua sàng 3.5mm, độ ẩm 20-30%, hàm lượng hữu cơ 17-25%.
- Loại 3: màu nâu đen, độ mịn qua sàng 5.5mm, độ ẩm 20-35%, hàm lượng hữu cơ < 16%.
Trên đây là phân loại than bùn tại Việt Nam hiện nay. Về cơ bản, chúng khác nhau về hàm lượng hữu cơ và màu sắc. Về giá than bùn hiện nay, các bạn có thể tham khảo tại những nơi uy tín tại Việt Nam.
V. Công dụng của than bùn
Than bùn từ lâu đã được con người sử dụng rộng rãi trong đời sống và sản xuất. Vậy than bùn dùng để làm gì? Chúng ta cùng tìm hiểu ngay sau đây nhé!
Trong thực tế, than bùn có ứng dụng rộng rãi từ làm nhiên liệu, làm phân bón, thay thế đất trồng, sản xuất điện năng… đến chữa bệnh. Dưới đây là một số công dụng của than bùn được biết đến nhiều nhất.
1. Dùng làm nhiên liệu nấu ăn, sản xuất điện năng
Than bùn được dùng như than củi trong việc đun nóng và chế biến thức ăn hộ gia đình. Một phần nhỏ than bùn được dùng để sản xuất điện.
2. Được dùng để chữa bệnh
Một trong những ứng dụng của than bùn trong chữa bệnh là việc điều trị bệnh dựa trên liệu pháp tắm ngâm. Liệu pháp này bắt nguồn từ châu Âu và được áp dụng rộng rãi trên thế giới ngày nay.
Nó cũng được sử dụng khá phổ biến trong các cơ sở spa – massage trị liệu bởi đặc tính kháng khuẩn, tốt cho da vì có chứa các khoáng chất. Ngoài ra, nó còn có tác dụng giảm đau mỏi cơ khớp, giúp thư giãn…
3. Tác dụng của than bùn trong lọc nước
Than bùn được chế tạo thành than hoạt tính có khả năng hấp thụ các chất hữu cơ tốt. Chính vì thể, nó giúp lọc nước rất tốt.
Ngoài ra, nó còn được sử dụng để xử lý dòng nước chảy trong đô thị, xử lý nước thải và bể tự hoại. Nó còn được sử dụng để làm mềm nước hồ, tạo môi trường sống cho các loài cá nước ngọt. Tùy vào ứng dụng khác nhau mà than được dùng ở dạng bột, dạng mảnh, ống hay ép…
4. Ứng dụng than bùn trong nông nghiệp
Trong nông nghiệp, than bùn được sử dụng như một loại đất trồng hoặc dùng làm phân bón. Nó giúp nâng cao khả năng giữ ẩm của đất, tăng tỉ lệ thấm nước của đất sét. Ngoài ra nó còn được thêm vào đất bầu để đáp ứng độ chua của một số cây trồng.
Cách sử dụng than bùn trong quy trình làm phân bón gồm các bước cơ bản như sau: Phơi khô → Nghiền nhỏ → Trộn với vôi → Thêm vi sinh vật, phụ gia → Ủ → Đóng gói.
Sử dụng than bùn trồng cây cho năng suất và hiệu quả khả quan. Nó được nhiều người nông dân sử dụng rộng rãi trong ngành nông nghiệp.
VI. Than bùn tập trung ở đâu
Than bùn tập trung ở đâu? Trên thế giới, các nước có trữ lượng than bùn lớn như Canada, Trung Quốc, Nga, Indonesia, Scandinavia và Hoa Kì.
Các nhà sản xuất than bùn hàng đầu là Phần Lan, Ireland, Belarus và Thụy Điển. Các nước này và các nước ở Bắc Âu hầu hết là những người sử dụng chính nguồn nhiên liệu hóa thạch này.
Ở Việt Nam, trữ lượng than bùn trong cả nước vào khoảng 7.100 triệu mét khối. Trong đó, đồng bằng Nam Bộ chiếm 2/3 trữ lượng với 5.000 triệu mét khối. Các tỉnh có trữ lượng than bùn lớn ở nước ta như: Kiêng Giang, Cà Mau, An Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An.
Các mỏ than bùn ở Việt Nam tập trung nhiều ở 3 vùng: Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên và rừng U Minh.
Tên một số mỏ than bùn ở nước ta:
- Mỏ than bùn Phú Cường – Tân Hòa (Tiền Giang): trữ lượng khoảng 4500 m3
- Mỏ than bùn Bình Sơn: 10.000.000 m3 hoặc 5.000.000 tấn
- Mỏ than bùn U Minh: 238.000.000 m3
- Mỏ than bùn Tân Tập (Long An): 516.000 m3
- Mỏ than bùn Lung Lơn (Kiên Giang): 8.000.000 m3 hoặc 4.400.000 tấn
- Mỏ than bùn Đông Bình (Hậu Giang): 313.793 m3
Lời kết
Như vậy chúng ta vừa cùng nhau tìm hiểu than bùn là gì và các vấn đề liên quan đến nó. Đây là loại than gần gũi với chúng ta, những kiến thức về nó thật thú vị phải không nào. Bạn nào chưa biết thì giờ đây các bạn đã có những kiến thức riêng cho mình về than bùn rồi đấy.