Grayscale là gì? Hẵn các bạn đang nghiên cứu hoặc đang làm việc trong lĩnh vực dệt may đã nghe nhắc đến. Tuy nhiên, không phải ai cũng nắm rõ thế nào là Gray scale. Đây là một dụng cụ quan trọng và gần như không thể thiếu cho mọi phòng thí nghiệm dệt nhuộm và công ty dệt may. Vậy có mấy loại Grayscale trong dệt may? Đặc điểm và công dụng của từng loại như thế nào? Để giúp các bạn nắm rõ hơn, mình đã viết bài viết này. Hi vọng các bạn có thể nắm thật chắc và ứng dụng vào thực tế thành thạo. Chúng ta cùng bắt đầu nào!
I. Grayscale là gì?
Grayscale (hay Thước xám) là dụng cụ dùng để kiểm tra, đánh giá độ bền màu (color fastness) của các sản phẩm dệt may.
Thước xám Gray Scale là một thang đo dùng để đánh giá những thay đổi về màu sắc của các sản phẩm dệt may khi kiểm tra độ bền của chúng. Thước xám có hai loại:
- Grayscale for Color Change: Thước xám đo độ thay đổi màu sắc
- Grayscale for Color Staining: Thước xám đo độ dây màu
Sau đây, chúng ta cùng tìm hiểu đặc điểm và ứng dụng của từng loại thước xám nhé!
II. Phân loại thước xám Grayscale
Như đã trình bày ở trên, Gray scale có hai loại với những đặc điểm và ứng dụng khác nhau. Sau đây, chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ về từng loại thước xám.
1. Grayscale for Color Change (Thước xám đo độ thay đổi màu sắc)
Trong các thí nghiệm thử độ bền màu, một yêu cầu đặt ra là xác định mức độ thay đổi màu sắc giữa mẫu ban đầu hay mẫu chuẩn (Standard sample) và mẫu sau khi thử (Trial sample). Những thay đổi nhỏ có thể được chấp nhận. Tuy nhiên những thay đổi lớn chắc chắn không được chấp nhận. Và với mắt thường thì chúng ta khó có thể so sánh được sự khác nhau đó. Chính vì vậy mà Greysacle for Color change (Thước xám đo độ thay đổi màu sắc) được ra đời để giúp chúng ta dễ dàng đánh giá. Việc sử dụng gray scale là rất quan trọng, nó giúp loại bỏ những sai xót và những sự thiên vị cá nhân của người đánh giá.
Gray Scale for color change bao gồm 5 cặp chỉ số màu xám. Nó được đánh số từ 1 đến 5 tương đương với mức độ từ cấp 1 đến cấp 5.
- Cấp 1: sự tương phản màu xám cao nhất. Độ lệch màu giữa mẫu chuẩn và mẫu thử là lớn nhất.
- Cấp 2, 3, 4: mức độ tương phản màu xám trung bình đến thấp, mẫu chuẩn và mẫu thử lệch màu nhưng không để kể.
- Cấp 5: mức độ tương phản màu xám thấp nhất. Độ lệch màu giữa mẫu chuẩn và mẫu thử gần như không khác biệt.
Trong 5 cấp độ của thang Greyscale đo độ thay đổi màu sắc thì cấp 5 là tốt nhất (độ thay đổi màu sắc thấp nhất), cấp 1 là kém nhất (độ thay đổi màu sắc lớn nhất).
2. Grayscale for Color Staining (Thước xám đo độ dây màu)
Loại thước xám thứ hai là thước xám đo độ dây màu (tiếng anh là Grayscale for color staining). Kết quả của việc dây màu sau khi kiểm tra độ bền màu sẽ được đánh giá bằng cách so sánh trực quan sự khác biệt về màu sắc hoặc độ tương phản giữa các mẫu dây màu và không dây màu với sự khác biệt được thể hiện trong thang đo.
Thước xám Gray scale đo độ dây màu có 5 cặp chỉ số màu trắng. Nó được chia thành các cấp độ tương ứng với độ bền màu như sau:
- Cấp 1: sự tương phản cao nhất. Độ lệch màu giữa 2 mẫu là lớn nhất đó là màu trắng của mẫu chuẩn so với màu xám của mẫu thử.
- Cấp 2, 3, 4: mức độ tương phản trung bình, sự chênh lệch giữa mẫu chuẩn và mẫu thử ở mức dộ trung bình đến thấp.
- Cấp 5: Mức độ tương phản thấp nhất. Sự chênh lêch giữa mẫu chuẩn và mẫu thử rất thấp đến gần như không khác biệt.
Trong 5 cấp độ của thước xám Grayscale đo độ dây màu thì cấp 5 là độ bền màu cao nhất (rất ít đến không có sự dây màu), giảm dần đến cấp 1 là độ bền màu kém nhất (dây màu nhiều). Thước xám này được sử dụng để đánh giá test độ bền màu ma sát hay độ bền ma sát (color fastness to rubbing), độ bền màu với giặt hay độ bền giặt (color fastness to washing).
Lưu ý, trong quá trình đánh giá các mẫu thử so với mẫu chuẩn, nếu mẫu thử nằm giữa các cấp độ thì có thể được đánh giá theo cấp độ liên hợp như cấp 1-2, cấp 2-3, cấp 3-4, cấp 4-5.
III. Ứng dụng của thước xám Grey scale
Có thể nói thước xám Grey scale có vai trò rất quan trọng trong ngành dệt may và in ấn. Nó được dùng để đánh giá hiệu quả và sự phai màu của thuốc nhuộm cũng như vật liệu trong những test kiểm tra độ bền màu.
Nó giúp con người đánh giá một cách khách quan và là một tiêu chuẩn đánh giá chung giữa buyer, nhà máy, phòng thí nghiệm…
IV. Tiêu chuẩn của Gray scale
Hiện nay, thước xám Gray Scales được sản xuất tuân theo nhiều tiêu chuẩn khác nhau trên thị trường. Việc sử dụng loại tiêu chuẩn nào phụ thuộc vào yêu cầu của từng nhãn hàng, khách hàng khác nhau. Những tiêu chuẩn cụ thể như sau:
- Tiêu chuẩn AATCC: áp dụng cho thị trường Mỹ
- Tiêu chuẩn ISO, SDC: áp dụng cho thị trường châu Âu và nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.
- Tiêu chuẩn JIS: áp dụng cho thị trường Nhật
- Tiêu chuẩn GB: áp dụng cho thị trường Trung Quốc
V. Lời kết
Vậy là chúng ta vừa tìm hiểu xong Grayscale là gì. Ngoài ra, chúng ta cũng đã biết có mấy loại Gray Scale và đặc điểm của từng loại. Nếu bạn một nhân viên phòng thí nghiệm, một kỹ thuật, nhà quản lý hoặc người làm việc trong ngành dệt may thì chắc chắn bạn cần phải nắm vững những kiến thức này. Công ty cần trang bị dụng cụ này cho việc đánh giá kết quả sau thử nghiệm các mẫu thử. Hi vọng bài viết này hữu ích với các bạn. Chúc các bạn thành công trong nhé!