Phân bón là một loại “thức ăn” quen thuộc và ưu thích của cây trồng. Các cụ xưa hay nói ” Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” để cho chúng ta thấy tầm quan trọng của phân đối với cây trồng là như thế nào. Mỗi loại cây trồng sẽ cần những loại phân bón khác nhau và tùy từng thời điểm sinh trưởng cây cần những loại phân khác nhau. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ bản chất của chúng cũng như cách sử dụng nó. Vậy phân bón là gì? Có mấy loại phân bón và đặc điểm và cách sử dụng của từng loại ra sao? Thế nào là phân vô cơ, hữu cơ, sinh học… Tất cả những kiến thức cơ bản và khái quát nhất sẽ có trong bài viết này, mời các bạn tham khảo ngay nhé!
I. Phân bón là gì?
Phân bón (tiếng anh là fertilizer) là một sản phẩm cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng hoặc có tác dụng cải tạo đất để tăng năng suất và chất lượng cây trồng. Nói đơn giản, phân bón là “thức ăn” của cây trồng và đất trồng.
Trong phân bón có chứa nhiều chất dinh dưỡng, gồm các nguyên tố đa lượng như Đạm (Nito), Lân (Photpho), Kali, các nguyên tố trung lượng như Canxi (Ca), Magie (mg), Lưu huỳnh (S) và các nguyên tố vi lượng như Kẽm (Zn), Sắt (Fe), Bo (B)… Vậy phân bón có mấy loại? Chúng ta cùng tìm hiểu ngay nhé!
II. Phân loại phân bón
Có nhiều cách để phân loại phân bón hiện nay.
- Phân loại dựa vào nguồn gốc nguyên liệu và quá trình sản xuất:
- Phân vô cơ (phân hóa học)
- Phân hữu cơ
- Phân sinh học
- Phân loại dựa vào cách thức sử dụng:
- Phân bón lá
- Phân bón rể
Sau đây, chúng ta sẽ lần lượt tìm hiểu đặc điểm, ứng dụng của phân bón cho từng loại một nhé!
III. Phân loại phân bón dựa theo nguồn gốc nguyên liệu và quá trình sản xuất
Dựa theo nguồn gốc nguyên liệu và quá trình sản xuất, người ta phân lại phân bón thành 3 loại: phân bón vô cơ (phân bón hóa học), phân bón hữu cơ và phân bón sinh học. Sau đây chúng ta cùng tìm hiểu đặc điểm của từng loại phân bón này.
3.1. Phân bón vô cơ (phân bón hóa học)
Phân bón vô cơ hay phân bón hóa học là những loại phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính chủ yếu là các chất vô cơ và hữu cơ tổng hợp. Các hợp chất này được xử lý qua quá trình hóa học hoặc chế biến khoáng sản.
Dựa vào thành phần hoặc chức năng của các chất dinh dưỡng, phân bón vô cơ được phân thành những loại sau:
3.1.1. Phân bón đa lượng
Phân đa lượng là phân bón có chứa ít nhất 1 nguyên tố đa lượng trọng thành phần. Các nguyên tố đa lượng là N, P, K. Phân bón đa lượng lại được phân thành nhiều loại như: phân bón đơn, phân bón phức, phân bón hỗn hợp, phân khoáng hữu cơ, phân khoáng sinh học.
a) Phân bón đơn
Là phân bón chỉ chứa 1 nguyên tố dinh dưỡng đa lượng trong thành phần chính.
b) Phân bón phức hợp
Là phân bón có chứa ít nhất 2 nguyên tố dinh dưỡng đa lượng trong thành phần chính. Các nguyên tố này liên kết với nhau bằng các liên kết hóa học.
c) Phân bón hỗn hợp
Là loại phân bón trong thành phần chính có chứa ít nhất nguyên tố đa lượng được sản xuất bằng cách phối trộn từ những loại phân khác nhau.
d) Phân bón khoáng hữu cơ
Phân khoáng hữu cơ là loại phân là phân đơn, phân phức hợp hay phân hỗn hợp được bổ sung thêm chất hữu cơ.
e) Phân bón khoáng sinh học
Phân khoáng sinh học là loại phân là phân đơn, phân phức hợp hay phân hỗn hợp được bổ sung thêm ít nhất 1 chất sinh học (axit amin, axit fulvic, axit humic, vitamin hoặc các chất sinh học khác).
3.1.2. Phân bón trung lượng
Phân trung lượng là loại phân trong thành phần có chứa ít nhất 1 nguyên tố trung lượng. Nó không bao gồm thạch cao, vôi, đá dolomite, đá macno ở dạng tự nhiên chưa qua xử lý, sản xuất thành phân bón.
3.1.3. Phân bón vi lượng
Phân vi lượng là phân bón có chứa ít nhất 1 nguyên tố vi lượng trong thành phần.
3.1.4. Phân bón đất hiếm
Phân bón đất hiếm là loại phân có chứa các nguyên tố hiếm như: Scandium (Sc), Yttrium (Y) hoặc các nguyên tố nhóm Lanthanidies (số hiệu nguyên tử từ 57 đến 71 trong bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học).
3.1.5. Phân bón cải tạo đất vô cơ
Đây là loại phân có tác dụng cải thiện các đặc tính hóa, lý, sinh của đất để tạo giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt. Loại phân này được sản xuất từ nguyên liệu chính là các hợp chất vô cơ và hữu cơ tổng hợp.
3.2. Phân bón hữu cơ
Phân bón hữu cơ là các loại phân được sản xuất chủ yếu từ các nguyên liệu chính là các hợp chất hữu cơ tự nhiên (không bao gồm các hợp chất hữu cơ tổng hợp). Các hợp chất này được xử lý thông qua các quá trình vật lý như: làm khô, nghiền, sàng, trộn, làm ẩm… hoặc qua các quá trình sinh học như: ủ, chiết, lên men…
3.2.1. Phân bón hữu cơ vi sinh
Là loại phân gồm các chất hữu cơ và ít nhất 1 loại vi sinh vật có ích trong thành phần chính.
3.2.2. Phân bón hữu cơ sinh học
Là loại phân trong thành phần chính có các chất hữu cơ và ít nhất 1 chất sinh học (axit amin, axit fulvic, axit humic, vitamin hoặc các chất sinh học khác).
3.2.3. Phân bón hữu cơ khoáng
Là loại phân trong có thành phần chính là các chất hữu cơ và ít nhất 1 nguyên tố đa lượng.
3.2.4. Phân bón cải tạo đất hữu cơ
Là phân bón được sản xuất từ nguyên liệu chính là các chất hữu cơ tự nhiên (không bao gồm các chất hữu cơ tổng hợp) có tác dụng cải thiện các tính chất hóa, lý, sinh học của đất trồng.
3.2.5. Phân bón hữu cơ truyền thống
Là các loại phân bón có nguồn gốc từ chất thải động vật, phụ phẩm cây trồng, các loại thực vật hoặc các chất thải sinh hoạt. Các chất thải này được chế biến theo phương pháp ủ truyền thống tạo thành phân hữu cơ.
3.3. Phân bón sinh học
Phân bón sinh học là các loại phân bón được sản xuất bằng các quá trình sinh học hoặc có nguồn gốc tự nhiên. Trong thành phần của phân sinh học có chứa một hoặc nhiều chất chất sinh học như axit amin, axit fulvic, axit humic, vitamin hoặc các chất sinh học khác.
3.3.1. Phân bón vi sinh vật
Là phân bón có chứa các vi sinh vật có ích. Các vi sinh vật này có khả năng tạo ra hoặc chuyển hóa thành các chất dinh dưỡng trong đất mà cây trồng có thể sử dụng được.
3.3.2. Phân bón cải tạo đất sinh học
Là phân bón được sản xuất thông qua quá trình sinh học, hoặc có nguồn gốc tự nhiên. Trong thành phần của loại phân bón này có chứa 1 hoặc nhiều chất sinh học. Đúng như tên gọi, nó giúp cải thiện các tính chất hóa, lý, sinh học của đất trồng. Từ đó, nó giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn.
3.4. Phân bón có chất điều hòa sinh trưởng
Là những loại phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ, phân bón sinh học được bổ sung thêm 1 hoặc nhiều chất điều hòa sinh trưởng. Tổng hàm lượng của các chất này < 0.5% khối lượng.
3.5. Phân bón có chất tăng hiệu suất sử dụng
Là những loại phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ, phân bón sinh học được phối trộn thêm các chất làm tăng hiệu suất sử dụng.
3.6. Phân bón có khả năng tăng miễn dịch cây trồng
Là những loại phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ, phân bón sinh học có chứa các chất làm tăng miễn dịch của cây trồng đối với các loại sâu hại hoặc các điều kiện ngoại cảnh bất lợi.
IV. Phân loại phân bón dựa theo phương thức sử dụng
Dựa theo phương thức sử dụng trên cây trồng, phân bón được chia làm 2 loại là: phân bón là và phân bón rễ.
4.1. Phân bón lá
Là loại phân được sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng thông qua lá hoặc thân.
4.2. Phân bón rễ
Là loại phân được sử dụng để cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng thông qua bộ rễ.
V. Công dụng của phân bón là gì?
Phân bón là một yếu tố quan trọng, quyết định đến sự sinh trưởng, phát triển, năng suất và chất lượng của cây trồng. Vậy công dụng của phân bón đối với cây trồng cụ thể như thế nào?
5.1. Công dụng của phân bón đối với sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng
Phân bón là “thức ăn” tuyệt vời và cần thiết cho sự sinh trưởng và phát triển của cây trồng. Hiểu rõ phân bón là gì và sử dụng nó hợp lý sẽ thúc đẩy các quá trình sinh trưởng của cây như ra nhánh, phát triển cành lá, ra hoa nhiều, đậu quả… Ngoài ra, nó còn giúp rễ phát triển, mạnh, ăn sâu vào đất. Phân bón còn giúp cây trồng tăng sức đề kháng và khả năng chống chịu với sâu bệnh, thời tiết.
Phân bón giúp thúc đẩy các quá trình như phân hủy, chuyển hóa các chất, phân giải các chất khó hấp thụ, tăng khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng. Qua đó, nó giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt hơn.
Cây trồng sẽ không phát triển, phát triển chậm hoặc kém phát triển nếu thiếu phân bón. Cây dễ bị còi cọc, rễ kém phát triển, ít đẻ nhánh, ra cành lá ít, lá nhỏ, không ra hoa hoặc ít ra hoa, tỉ lệ đậu trái thấp. Cây trồng có sức chịu đựng kém, dễ bị sâu bệnh.
5.2. Công dụng của phân bón đối với năng suất cây trồng
Giúp cây trồng tăng năng suất là một trong những tác dụng của phân bón nổi bật nhất. Cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt sẽ cho năng suất cao. Việc sử dụng phân một cách hợp lý, đúng lúc, đúng liều, đúng loại sẽ giúp hiện thực hóa điều này.
Chúng ta cần nắm rõ nhu cầu dinh dưỡng của từng loại cây trồng, từng giai đoạn sinh trưởng của cây để kịp thời cung cấp phân hợp lý. Từ đó giúp cây phát triển tốt, tăng năng suất và chất lượng. Nếu cây trồng không được sử dụng phân bón hoặc sử dụng không hợp lý sẽ dẫn đến tình trạng cây kém phát triển, ít ra hoa kết trái, từ đó làm giảm năng suất.
Phân là một tác nhân quan trọng làm tăng năng suất cây trồng, đặc biệt ở giai đoạn cây ra hoa và kết trái. Đây là giai đoạn quyết định đến số lượng, chất lượng của hoa, trái. Giai đoạn này cây cần được bón phân hợp lý để cây ra hoa nhiều, đậu trái nhiều và đồng loạt.
Giai đoạn nuôi trái cũng cần đặc biệt quan tâm. Phân giúp cung cấp các dưỡng chất cần thiết, giúp thúc đẩy quá trình tích lũy các chất hữu cơ (đường, protein, tinh bột…) giúp trái to, đều, đẹp, nặng, thơm đậm đà, qua đó làm tăng năng suất.
5.3. Công dụng của phân bón đối với chất lượng/phẩm chất của cây trồng
Phân bón có ảnh hưởng rất lớn đến phẩm chất, chất lượng của nông sản thông qua các chỉ tiêu về hình thái, màu sắc, thành phần dinh dưỡng, trọng lượng, giá trị thương phẩm… Năng suất và chất lượng nông sản tốt khi cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt.
Chất lượng nông sản được quyết định bởi các hợp chất hữu cơ. Những hợp chất này được hình thành qua các quá trình sinh hóa của cây. Phân bón là một tác nhân ảnh hưởng đến quá trình này, quyết định hàm lượng, tính chất các chất hữu cơ, từ đó quyết định chất lượng, phẩm chất nông sản.
Phân bón chứa đạm (N) làm lượng protein trong cây trồng tăng lên, giảm lượng xenlulozo. Phân bón chứa lân (P) tác động đến quá trình vận chuyển, đồng hóa các chất hữu cơ tích lũy trong quả/hạt/củ. Phân chứa Kali (K) làm tăng lượng đường, tinh bột, làm tăng màu sắc, tăng hương vị và thời gian bảo quản của nông sản.
VI. Tác hại của việc sử dụng phân bón
Công dụng của phân bón là điều không còn phải bàn cải gì nữa. Tuy nhiên cái gì cũng có mặt lợi và mặt hại hết, và phân bón cũng vậy. Việc sử dụng phân bón quá mức và không có kiểm soát sẽ dẫn đến những hậu quả đến với môi trường.
– Gây ô nhiễm môi trường đất, môi trường nước
– Gây mất cân bằng sinh thái, gia tăng sự mẫn cảm của các loại cây trồng với các loại bệnh.
– Các loại phân hóa học còn gây tỗn thương cho bộ rễ, ảnh hưởng đến sự hấp thu các chất dinh dưỡng.
– Tích tụ kim loại nặng trong đất như Cadimium, Uranium, Kẽm, Chì, Arsen…
– Phân và ure thải ra methane, nito oxide, amonia, CO2… gây hiệu ứng nhà kính.
– Việc tồn dư các chất hóa học có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe của con người.
… và một số tác hại khác cho con người và môi trường. Vì vậy, chúng ta hiểu được phân bón là gì thì cũng cần nắm rõ các tác hại mà nó có thể gây ra.
VII. Cách sử dụng phân bón hiệu quả
Để sử dụng phân bón một cách có hiệu quả, phát huy được hết công dụng của phân bón, chúng ta cần nắm vững 4 nguyên tắc: đúng lúc, đúng liều, đúng loại và đúng cách.
7.1. Sử dụng phân bón đúng lúc
Từ lúc nảy mầm đến khi đơm hoa kết trái, cây trồng trải qua nhiều giai đoạn sinh trưởng khác nhau. Mỗi giai đoạn, cây cần các chất dinh dưỡng khác nhau. Không nên bón phân một lần quá nhiều khiến cây không hấp thụ được hết chất dinh dưỡng, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường. Thay vào đó, chúng ta nên chia ra nhiều lần để cây hấp thụ tốt hơn.
7.2. Sử dụng phân bón đúng liều lượng
Việc sử dụng phân bón đúng liều lượng không chỉ mang lại hiệu quả cao mà còn giúp tránh lãng phí. Mỗi giai đoạn của cây cần liều lượng phân khác nhau. Và trên mỗi bao bì phân bón sẽ có hướng dẫn sử dụng cụ thể. Do đó, chúng ta cần đọc kỹ hướng dẫn trước khi bón. Thường xuyên theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, đất và thời tiết để điều chỉnh lượng phân bón phù hợp.phan-bon-la-gi-4
7.3. Sử dụng đúng loại phân bón
Chúng ta đã biết phân bón là gì và đặc điểm của các loại phân. Do đó, việc sử dụng phân bón phải phù hợp với từng loại cây trồng, từng giai đoạn phát triển của cây và điều kiện thổ nhưỡng.
7.4. Sử dụng phân bón đúng cách
Một yếu tố không kém phần quan trọng trong việc sử dụng phân bón là dùng đúng cách. Ví dụ: với phân bón lót, chúng ta cần tưới đủ nước, vùi phân đủ sâu. Đối với phân hữu cơ cần được ủ cho hoai mục…
Lời kết
Như vậy, chúng ta đã biết được phân bón là gì, có mấy loại phân bón và đặc điểm của từng loại. Phân bón là một phát minh hay và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc. Nó giúp cho người nông dân tăng năng suất các loại cây trồng, từ đó giúp phát triển nền nông nghiệp bền vững và hiện đại. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần nắm rõ những lưu ý khi sử dụng phân bón để tránh lãng phí, ô nhiễm và mang lại hiệu quả cao.