Màu sắc làm đẹp cho người và cho đời. Như chúng ta biết, màu sắc là một thuộc tính rất quan trọng cho nhiều vật liệu xung quanh cuộc sống của chúng ta. Chúng ta có thể cảm nhận chúng bằng các giác quan. Màu sắc cũng ảnh hưởng đến cảm xúc, hành vi của con người và cách chúng ta phản ứng với các sự vật, sự việc, con người và những ý tưởng. Sự biến đổi của mùa sắc là cực kỳ linh hoạt. Nó không chỉ làm đẹp bên ngoài mà nó còn hướng đến các trạng thái bên trong tâm linh con người chúng ta. Chúng ta có thể sử dụng màu sắc để có được những gì chúng ta muốn từ thế giới hoặc để tìm kiếm điều gì đó từ bản thân mình.
Có thể nói, màu sắc mang đến vẻ đẹp và sự hoàn hảo cho thế giới, cho vũ trụ này. Các vật liệu hàng ngày từ quần áo, sơn, giấy, nhựa, thực phẩm… trở nên hấp dẫn hơn khi có nhiều màu sắc. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu màu sắc và thuốc nhuộm trong ngành dệt may các bạn nhé!
I. Màu sắc và thuốc nhuộm trong ngành dệt may (Colors and Textiles Dyes)
1. Màu sắc (Color)
Màu sắc là một sản phẩm phụ của quang phổ ánh sáng sau quá trình hấp thụ hoặc phản xạ được mắt người tiếp nhận và bộ não xử lý. Thế giới là đa sắc và những ánh sáng khả kiến (ánh sáng nhìn thấy được) được tạo thành từ 7 bước sóng. Nó giống như 7 màu sắc mà chúng ta nhìn thấy được từ cầu vồng.
mau-sac-va-thuoc-nhuom-trong-det-nhuom-color-and-dyes-2mau-sac-va-thuoc-nhuom-trong-det-nhuom-color-and-dyes-2
Khi ánh sáng chiếu vào một vật thể, một số bước sóng sẽ được hấp thụ, số khác sẽ phản xạ lại, tùy thuộc vào vật liệu hay chất hóa học của vật thể đó. Bước sóng phản xạ là những gì chúng ta nhìn thấy cũng là màu sắc mà chúng ta nhìn thấy được. Dưới đây là bảng phổ bước sóng ánh sáng và màu sắc nhìn thấy được bằng mắt người.
STT | Bước sóng (nm) | Màu sắc được hấp thụ | Màu sắc quan sát được |
1 | 400 – 435 | Violet | Yellow-Green |
2 | 435 – 480 | Blue | Yellow |
3 | 480 – 490 | Green-blue | Orange |
4 | 490 – 500 | Blue-green | Red |
5 | 500 – 560 | Green | Purple |
6 | 560 – 580 | Yellow-Green | Violet |
7 | 580 – 595 | Yellow | Blue |
8 | 595 – 605 | Orange | Green-Blue |
9 | 605 – 700 | Red | Blue-Green |
Ghi chú:
- Red: màu đỏ
- Orange: màu cam
- Yellow: màu vàng
- Blue: Màu xanh lơ (xanh da trời)
- Green: Màu xanh lục (xanh lá mạ)
- Purple: màu tím nhạt
- Violet: màu tím đậm
2. Tổng quan về thuốc nhuộm (Textile dyes)
Màu sắc thu được/nhìn thấy được trên sản phẩm dệt may và các phụ liệu khác được sử dụng thuốc nhuộm và màu pigment, gọi chung là colorants.
Từ xa xưa, người ta đã sử dụng indigo và Alizarin thu được từ cây Tinctoria indigofera và rễ cây Madder để nhuộm. Đến năm 1856, khi William Perkin sản xuất Mauviene từ các hợp chất hữu cơ đơn giản thu được từ chưng cất dầu mỏ và than đá thì việc sử dụng các chất màu tự nhiên bị giảm dần.
Thuốc nhuộm (dyes hay dyestuff) được coi là một hợp chất hữu cơ có màu tan trong nước, có ái lực tốt với chất nền trong khi màu pigment thường không tan trong nước. Để một hợp chất trở thành thuốc nhộm, nó phải thỏa mãn các điều kiện sau:
- Phải tan trong nước vĩnh viễn hoặc trong lúc sử dụng
- Phải đậm màu
- Phải có khả năng hấp thụ bởi chất nền hoặc có khả năng phản ứng hóa học với chất nền
- Phải có độ bền màu (color fastness) thích hợp.
mau-sac-va-thuoc-nhuom-trong-det-nhuom-color-and-dyes
3. Phân loại thuốc nhuộm
Có nhiều cách để phân loại thuốc nhuộm, bao gồm: nguồn gốc, cấu trúc hóa học, phương pháp sử dụng, cấu trúc hạt nhân và phân loại công nghiệp. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng mỗi loại thuốc nhuộm có những tính chất hóa học, cấu trúc và cách liên kết với chất nền khác nhau. Một số thuốc nhuộm có thể phản ứng với chất nền tạo thành liên kết bền chặt, trong khi số khác lại được giữ lại bằng các lực liên kết hóa học.
Loại thuốc nhuộm | Chất nền (substrate) |
Thuốc nhuộm phân tán (Dispersed dyes) | Các loại vải sợi tổng hợp |
Thuốc nhuộm hoạt tính (Reactive dyes) | Các loại vải sợi cellulosic |
Thuốc nhuộm trực tiếp (Direct dyes) | Cotton, các loại vải sợi cellulosic và vải pha |
Thuốc nhuộm acid (Acid Dyes) | Len, tơ tằm, sợi tổng hợp, da thuộc |
Thuốc nhuộm hoàn nguyên (Vat dyes) | Cotton, các loại vải sợi cellulosic và vải pha |
Thuốc nhuộm sulphur (Sulphur dyes) | Cotton, các loại vải sợi cellulosic |
Pigment | Cotton, các loại vải sợi cellulosic và vải pha, giấy |
Thuốc nhuộm Azoic | Mực in và pigment |
Thuốc nhuộm cation (Basic dyes / cationic dyes) | Len, tơ tằm, cotton |
Thuốc nhuộm oxi hóa (Oxidation dyes) | Tóc |
Thuốc nhuộm developed (Developed Dyes) | Các loại vải sợi cellulosic |
Thuốc nhuộm Mordant (Mordant dyes) | Các loại vải sợi cellulosic, len, tơ tằm |
Chất tăng trắng quang học (Optical/Fluorescent Brighteners) | Sợi tổng hợp, da, cotton, đồ thể thao |
Thuốc nhuộm dung môi (Solvent dyes) | Nhuộm gỗ, mực dung môi, sáp, dầu tạo màu |
mau-sac-va-thuoc-nhuom-trong-det-nhuom-color-and-dyes-3
4. Các kỹ thuật nhuộm
4.1. Nhuộm Bale (Bale Dyeing)
Đây là một phương pháp nhuộm chi phí thấp dùng để nhuộm quần áo cotton. Vật liệu được nhuộm mà không cần nấu hoặc làm sạch, được đưa qua bể lạnh nơi sợi dọc tương tác với thuốc nhuộm.
Vải giả Charmbray hoặc tương tự thường được nhuộm bằng phương pháp này.
4.2. Nhuộm Batik (Batik Dyeing)
Đây là một phương pháp lâu đời nhất được biết đến, có nguồn gốc từ Java. Với phương pháp này, các vùng của vải được phủ một lớp sáp (wax) và chỉ những khu vực không phủ sáp mới nhuộm được. Quá trình nhuộm có thể được thực hiện vài lần và một vài màu có thể được sử dụng cho các hiệu ứng kỳ lạ. Các hiệu ứng sọc, đốm giống như được in bằng máy.
4.3. Nhuộm chùm (Beam Dyeing)
Trong phương pháp này, sợi dọc được nhuộm trước khi dệt. Nó được quấn trên một beam được đục lỗ và thuốc nhuộm được đẩy tới các lỗ đó. Do đó, sợi được thấm màu bằng thuốc nhuộm.
4.4. Nhuộm loang màu hoặc đốm đốm (Burl or speck Dyeing)
Phương pháp này thực hiện chủ yếu cho đồ len hoặc lông cừu. Các đốm màu và khuyết điểm được phủ bởi sử dụng các liên kết màu đặc biệt đến từ nhiều màu sắc và ánh màu khác nhau. Nó được thực hiện bằng tay.
4.5. Nhuộm chuỗi (Chain Dyeing)
Phương pháp này được sử dụng khi sợi hoặc vải có độ bền kéo (tensile strength) thấp và mang lại sản lượng cao. Mốt số vết cắt hoặc mãnh vải được buộc từ đầu đến cuối và chạy qua 1 chuỗi liên tục trong thuốc nhuộm.
4.6. Nhuộm chéo (Cross Dyeing)
Phương pháp này rất phổ biến cho hiệu ứng nhiều màu sắc thu được khi nhuộm cho một loại vải chứa các loại sợi có ái lực khác nhau với thuốc nhuộm.
Ví dụ, thuốc nhuộm màu xanh (Blue) làm cho Nylon 6 có màu xanh đậm, nylon 66 có màu xanh nhạt và không có ái lực với polyester.
4.7. Nhuộm Jigger (Jigger Dyeing)
Phương pháp này được thực hiện ở dạng “mở” của hàng hóa. Vải được di chuyển từ trục lăn này sang trục lăn khác qua bể nhuộm cho đến khi đạt được ánh màu như mong muốn.
4.8. Nhuộm mảnh (Piece Dyeing)
Trong nhuộm Piece, vải ở dạng cắt hay mãnh mang đến một màu duy nhất cho vật liệu được nhuộm.
4.9. Nhuộm ngẫu nhiên (Random Dyeing)
Chỉ nhuộm màu cho một số loại sợi mong muốn của vải.
II. Độ bền màu của sản phẩm dệt may
Độ bền màu (color fastness) được định nghĩa là khả năng chống phai màu hoặc hoặc chạy màu sau khi được nhuộm. Sự phai màu hay chạy màu này có nhiều nguyên nhân như mồ hôi, ánh nắng, do giặt, là, ma sát…. Có nhiều độ bền màu được quan tâm:
- Độ bền màu với giặt (Color fastness to washing)
- Độ bền màu với ma sát (Color fastness to rubbing)
- Độ bền màu ánh sáng (Color fastness to light)
- Độ bền màu với thăng hoa (Color fastness to sublimation)
- Độ bền màu với mồ hôi (Color fastness to perspiration fastness)
- Độ bền màu với nhiệt (Color fastness to heat)
- …
Các thử nghiệm độ bền màu được thực hiện theo những phương pháp nhất định. Sau đó, hiệu quả được đánh giá dựa trên thước xám (Gray Scale). Có hai loại thước xám:
- Thước xám đánh giá độ bền màu (Grayscale for color change)
- Thước xám đánh giá độ dây màu (Grayscale for staining)
…các bạn có thể tìm đọc chi tiết về thước xám trong chuyên mục Hóa Nhuộm nhé!
III. Đo ánh màu
Để kiểm tra độ đậm màu, ánh màu, độ trắng (hay độ vàng vải)… người ta dùng máy quang phổ (spectrophotometer). Hiện nay, có rất nhiều loại máy quang phổ khác nhau trên thị trường với các loại ánh sáng khác nhau: máy quang phổ hồng ngoại, máy quang phổ tử ngoại nhìn thấy… Nhưng nguyên lý hoạt động của chúng gần như giống nhau. Nguồn ánh sáng trắng cung cấp cho máy quang phổ thường là đèn vonfram.
Lời kết
Thử tưởng tượng thế giới này không có màu sắc ngoài 2 màu trắng và đen. Khi đó thế giới sẽ như thế nào? Một thế giới màu sắc, muôn màu muôn vẻ sẽ tràn đầy sức sống cho muôn loài. Màu xanh của rừng, màu đỏ của những bông hoa, màu vàng nâu của những ngọn núi, màu tím của hoàng hôn… thật đẹp biết bao nhiêu. Và những bộ quần áo, giày dép, khăn, tất… nói chung là hàng dệt may chúng ta đã sử dụng may mắn được phủ lên mình những màu sắc ấy. Chúng là nhờ có thuốc nhuộm dùng trong dệt nhuộm. Hi vọng bài viết này hữu ích và đầy màu sắc với tất cả mọi người.
Trên đây là một số kiến thức cơ bản, tổng quan về màu sắc và thuốc nhuộm trong ngành dệt may. Những kiến thức chuyên sâu hơn các bạn có thể tìm đọc ở các bài viết cùng chuyên đề Hóa nhuộm trên website này. Chúc các bạn luôn vui vẻ và thành công nhé!