Tiêu chuẩn Oeko-Tex là một trong những tiêu chuẩn quan trọng nhất dành cho các sản phẩm dệt may và chứng nhận cho các công ty. Tuy khá quen thuộc và phổ biến trên thế giới nhưng tại Việt Nam, vẫn còn nhiều người chưa biết, thậm chí chưa quan tâm đến nó.
Đôi khi chúng ta nghe nhắc nhiều đến nhưng thực sự chưa hiểu rõ bản chất Oeko-tex là gì? Ngoài ra, các khái niệm như Oeko-Tex Standard 100, Eco Passport by Oeko-Tex cũng được nhiều bạn quan tâm? Để giúp các bạn hiểu rõ hơn, mời các bạn tham khảo nội dung bài viết ngày hôm nay.
I. Oeko-Tex
1.1. Oeko-Tex là gì?
Oeko-Tex® là một nhãn hiệu thương mại đã được đăng kí, đại diện cho nhãn sản phẩm và các chứng nhận của công ty được cấp cũng như các dịch vụ khác, được cung cấp bởi Hiệp hội Nghiên cứu và Thử nghiệm Quốc tế trong lĩnh vực dệt may và da giày sinh thái(International Association for Research and Testing in the Field of Textile and Leather Ecology – Gọi tắt là Oeko-Tex).
Hiệp hội Oeko-Tex cung cấp các chứng nhận liên quan đến sản phẩm gồm:
- Standard 100 by Oeko-Tex (Tiền thân là Oeko-Tex Standard 100)
- Made in Green by Oeko-Tex (Tiền thân là Oeko-Tex Standard 100plus)
- Leather Standard by Oeko-Tex
- Eco Passport by Oeko-Tex dành cho các hóa chất được sử dụng trong sản xuất hàng dệt may
- STeP by Oeko-Tex (Tiền thân là Oeko-Tex Standard 1000)
và dịch vụ Dotex to Zero (Báo cáo trạng thái áp dụng cho các cơ sở sản xuất).
Nhãn và giấy chứng nhận Oeko-Tex xác nhận sự an toàn về mặt sinh thái và con người của các sản phẩm dệt may và da giày từ tất cả các công đoạn của quá trình sản xuất. Các công đoạn bao gồm nguyên liệu thô, xơ, sợi, vải, các thành phẩm dọc theo chuỗi cung ứng. Ngoài ra, nó cũng chứng nhận các điều kiện lành mạnh về mặt xã hội và môi trường trong một số cơ sở sản xuất.
1.2. Tổ chức của Oeko-Tex
Hiệp hội Quốc tế về Nghiên cứu và Thử nghiệm trong lĩnh vực Dệt may và Giày Da sinh thái (International Association for Research and Testing in the Field of Textile and Leather Ecology – Oeko-Tex) được thành lập năm 1992, có trụ sở chính tại Zürich (Thụy Sĩ).
Các thành viên sáng lập bao gồm:
– German Hohenstein Institute: Viện Hohenstein của Đức
– Austrian Textile Research Institute (OETI): Viện nghiên cứu dệt may Áo.
Hiện nay, Hiệp hội Oekotex gồm 10 Viện nghiên cứu và thử nghiệm trung lập ở châu Âu, Nhật Bản với các văn phòng liên lạc tại hơn 70 quốc gia trên khắp thế giới.
II. Các Tiêu chuẩn Oeko-Tex
2.1. Standard 100 by Oeko-Tex
2.1.1. Tổng quan về Standard 100 by Oeko-Tex
Tiêu chuẩn cho sản phẩm Standard 100 by Oeko-Tex được giới thiệu năm 1992, chứng nhận sự tuân thủ các thông số kỹ thuật của tiêu chuẩn cùng tên, tài liệu về các phương pháp thử nghiệm và các giá trị giới hạn đối với các chất hóa học có thể gây hại. Hệ thống thử nghiệm và chứng nhận độc lập này có thể áp dụng cho nguyên liệu dệt may, sản phẩm trung gian ở các công đoạn và sản phẩm cuối (thành phẩm). Ví dụ như: sợi thô, sợi đã nhuộm, vải thô, vải thành phẩm đã nhuộm, hàng tiêu dùng (quần áo, đồ dệt gia dụng, ga trải giường, …).
Mục đích của tiêu chuẩn Oeko-Tex 100 nhằm giúp người tiêu dùng thấy rõ các sản phẩm được dán nhãn đã được thử nghiệm với hàng loạt các chất độc hại và hàm lượng của chúng nằm dưới giá trị giới hạn cho phép do Hiệp hội Oeko-tex thiết lập.
Tiêu chuẩn này được xem như là một hệ thống đảm bảo chất lượng áp dụng toàn cầu. Việc sử dụng các tài liệu của Oeko-Tex certificate tuân thủ với yêu cầu về con người-sinh thái đối với các cấp sản xuất và người tiêu dùng tiếp theo. Các yêu cầu để đạt được chứng chỉ được cập nhật ít nhất mỗi năm một lần. Mỗi lần được cấp, Oeko-Tex Standard 100 có giá trị 1 năm.
Hiện nay, có hơn 10,000 nhà sản xuất ở gần 100 nước đang tham gia Chứng nhận OekoTex. Hiệp hội Oeko-Tex đã cấp hơn 160,000 Standard 100 cho các sản phẩm dệt may ừ tất cả các khâu.
2.1.2. Điều kiện để đạt Standard 100 by Oeko-Tex
Để có thể đạt được chứng nhận theo Tiêu chuẩn 100 của Oeko-Tex (Standard 100 by Oeko-Tex), các sản phẩm dệt may cần tuân thủ các tiêu chí bắt buộc đối với các mặt hàng quần áo, các lớp bên ngoài quân áo và nguyên phụ liệu. Chẳng hạn như chỉ, lớp lót, hình in, dây kéo, nút, đinh tán hoặc các phụ kiện khác.
2.1.3. Phân loại
Tùy vào mục đích sử dụng của các sản phẩm dệt may mà mức độ và yêu cầu test mẫu của Oeko-Tex đối với các chất độc hại sẽ khác nhau. Dưới đây là phân loại 4 loại sản phẩm theo tiêu chuẩn này:
- Class I: Đồ dùng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ (đến 36 tháng tuổi)
- Class II: Sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với da trong thời gian dài và trên diện rộng.
- Class III: Sản phẩm không dệt hoặc ít tiếp xúc với da
- Class IV: Các vật liệu trang trí nội thất (thảm, rèm cửa, khăn trải bàn…)
Trong 4 loại sản phẩm ở trên thì yêu cầu với loại I là khắc khe nhất. Nó phải đáp ứng hầu hết các chất có khả năng gây hại và thêm một test kháng nước bọt.
2.1.4. Test mẫu phòng thí nghiệm
Tiêu chí test và các giá trị giới hạn là ràng buộc toàn cầu và được cập nhật, mở rộng mỗi năm. Các thông số kiểm tra gồm các chất bị cấm bởi các quy định hoặc pháp luật. Đó cũng có thể là các chất chưa kiểm soát nhưng được biết là có vấn đề.
Các sản phẩm dệt may sẽ được kiểm tra hàm lượng của hàng trăm chất từ 17 nhóm chất. Tiêu chuẩn này có tham khảo đến:
- Các quy định pháp lý quan trọng: (VD: cấm các thuốc nhuộm azo, formaldehyde, pentachlorophenol, cadmium, nickel)
- Yêu cầu của các phụ lục XVII và XIV của Quy định hóa chất châu Âu (European Chemicals Regulation – REACH) và ECHA SVHC Candidate List được các nhóm chuyên gia của Hiệp hội Oeko-Tex đánh giá là phù hợp với vải, hàng dệt may và các nguyên phụ liệu.
- Các yêu cầu của Đạo luật cải thiện An toàn sản phẩm tiêu dùng Hoa Kỳ (US Consumer Product Safety Improvement Act (CPSIA)) liên quan đến chì (Pb).
- Nhiều hóa chất có liên quan đến môi trường khác
- Các chất có hại cho sức khỏe hoặc liên quan đến môi trường nhưng chưa chịu điều chỉnh của bất kỳ quy định nào.
Ngoài ra, tất cả mặt hàng đều được kiểm tra phải có pH thân thiện với da và độ bền màu tốt. Chúng được test khí thải của hóa chất dễ bay hơi và được kiểm tra khứu giác.
2.2. STeP by Oeko-Tex
2.2.1. Tổng quan về STeP by Oeko-Tex
STeP by Oeko-Tex (Sustainable Textile Production – Sản xuất dệt may bền vững) là một hệ thống chứng nhận toàn cầu cho các cơ sở sản xuất về thân thiện môi trường và trách nhiệm xã hội trong ngành dệt may. Năm 2013, STeP by Oeko-Tex được đổi tên từ Oeko-Tex Standard 1000 (được giới thiệu lần đầu năm 1995).
STeP by Oeko-Tex không phải để hiển thị trên sản phẩm mà được sử dụng trong giao tiếp giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp.
Với những quy định pháp luật khác nhau tại mỗi quốc gia, STeP by Oeko-Tex hoạt động như một công cụ để thể hiện tính bền vững và thành tựu xã hội của các cơ sở dệt may, có thể so sánh với nhau trên khắp thế giới.
Thông qua cơ sở dữ liệu trung tâm MySTeP do Oeko-Tex duy trì, các cơ sở, nhà máy được chứng nhận có thể cung cấp dữ liệu cho khách hàng của mình. Nguyên tắc hướng dẫn của chứng nhận theo STeP by Oeko-Tex là cải thiện vĩnh viễn các hoạt động môi trường tổng thế trong một công ty, không phải chỉ tối ưu hóa một lần.
2.2.2. Điều kiện để đạt STeP by Oeko-Tex
Các cơ sở sản xuất ở tất cả các công đoạn của chuỗi dệt may có thể đăng kí chứng nhận này. Chắng hạn như các cơ sở sản xuất sợi, kéo sợi, dệt, nhuộm, hoàn tất… Hay đó có thể là nhà sản xuất nguyên phụ liệu ngành may mặc, vật liệu xốp, nệm…
Một bảng câu hỏi trực tuyến sẽ được gửi cho các công ty này và đòi hỏi họ phải khai báo thông tin về điều kiện sản xuất của mình. Bảng cau hỏi gồm 6 Modules như sau:
- Chemical management (Quản lý hóa chất)
- Environmental performance (Hiệu quả môi trường)
- Environmental management (Quản lý môi trường)
- Social responsibility (Trách nhiệm xã hội)
- Quality management (Quản lý chất lượng)
- Occupational health and safety (Sức khỏe và an toàn lao động)
Mỗi module chứa những câu hỏi từ cơ bản đến nâng cao. Tối thiểu 70% các câu cơ bản phải trả lời được. Các câu hỏi nâng cao là cơ hội để ghi lại những nỗ lực bổ sung hướng đến tính bền vững và (sustainability) trách nhiệm xã hội (social responsibility). Một số câu hỏi cơ bản bắt buộc tạo thành tiêu chí loại trừ. Nghĩa là nếu các tiêu chí đó không đáp ứng được toàn bộ chứng nhận STeP bị từ chối. các tiêu chí loại trừ này bao gồm: không tuân thủ các tiêu chuẩn của STeP về hóa chất, nước thải và khí thải, sử dụng lao động trẻ em, cưỡng bức, cấm tổ chức công đoàn.
Đề việc đánh giá đơn giản hơn, một số chứng nhận của bên thứ ba (third-party) đã được tính đến. Ví dụ như:
- Nhóm tiêu chuẩn ISO 14000 và EMAS về quản lý môi trường
- Chứng nhận của tổ chức Fair Wear và những chứng nhận khác về trách nhiệm xã hội
- ISO 9000 cho quản lý chất lượng
2.2.3. Chứng nhận và các cấp độ
Sau khi nộp đơn xin chứng nhận, các công ty sẽ truy cập vào công cụ đánh giá trực tuyến. Các câu hỏi sẽ được trả lời và Oekotex sẽ xem xét. Kiểm toán viên độc lập (Auditor) sẽ xác minh lại trong quá trình kiểm tra tại chổ (On-site audit). Cuối cùng là quá trình phân tích và đánh giá. STeP certificate sẽ hiển thị số điểm và phân tích cho từng module cũng như mức độ bền vững tổng thể. Các kết quả trong 6 modules được tổng kết và xếp hạng ở các mức:
- Level 1 (Entry level – Cấp độ đầu vào): 70% câu hỏi cơ bản (gồm cả tiêu chí loại trừ) đã được hoàn thành thỏa đáng.
- Level 2 (Good performance with further optimization potential – Hiệu quả tốt với tiềm năng tối ưu lớn hơn nữa): các câu hỏi cơ bản bổ sung và nâng cao đã được trả lời.
- Level 3 (Exemplary performance – Hiệu quả xuất sắc): 67% hoặc hơn các câu hỏi nâng cao và cơ bản còn lại được trả lời.
Chứng nhận STeP by OekoTex có giá trị trong vòng 3 năm.
2.3. Made in Green by Oeko-Tex
Made in Green by Oeko-Tex là một nhãn dành cho các sản phẩm dệt may được sản xuất bền vững và đã được kiểm tra các chất độc hại theo tiêu chí của Oeko-Tex. Cụ thể là đạt yêu cầu của Tiêu chuẩn Oekotex 100. Và sản phẩm cũng như phần lớn các thành phần và sản phẩm trước đó được sản xuất bởi các công ty được audit và chứng nhận STeP by Oeko-Tex. Nhãn Made in Green by Oeko-Tex thay thế cho Oeko-Tex Standard 100plus trước đây vào năm 2015.
Cho các sản phẩm tiêu dùng, nhãn Made in Green được cấp nếu đạt 4 điều kiện sau:
- Sản phẩm cuối được kiểm tra các chất độc hại theo Standard 100 by Oekotex;
- Tất cả các cơ sở gia công được chứng nhận STeP;
- Các cơ sở sản xuất và hóa chất cung cấp các sản phẩm các thành phần đạt hoặc vượt 5% tổng trọng lượng được chứng nhận STeP;
- Và tối thiểu 85% tổng trong lượng sản phẩm được cung cấp bởi các nhà cung cấp hóa chất/nhà máy dệt nhuộm được chứng nhận STeP.
Điều này có nghĩa là các thành phần nhẹ nhỏ như chỉ may, dù được yêu cầu không chứa các chất độc hại theo Standard 100 by Oeko-Tex, không nhất thiết phải được sản xuất trong các cơ sở đạt chứng nhận STeP.
Trên nhãn Made in Green by Oeko-Tex sẽ có một mã định danh (ID) sản phẩm duy nhất hoặc/và mã QR để người tiêu dùng có thể theo dõi quá trình sản xuất mặt hàng đó. Bằng cắp quét mã QR hoặc nhập ID sản phẩm lên website Made in Green, người tiêu dùng sẽ có các thông tin: quốc gia sản xuất, những công đoạn, cơ sở sản xuất đã tham gia vào quá trình. Tuy nhiên, điều kiện là nhà sản xuất phải công bố đủ thông tin.
Chứng nhận Made in Green by Oeko-Tex có thời hạn 1 năm và cần đăng kí gia hạn sau đó.
2.4. Leather Standard by Oeko-Tex
Leather Standard by Oeko-Tex là một hệ thống các phương pháp, các tiêu chí thử nghiệm và các giá trị giới hạn đối với các chất độc hại, được giởi thiệu năm 2017, được sử dụng bởi các thành viên của Oekotex để chứng nhận toàn cầu về con người và an toàn sinh thái cho các sản phẩm da. Các sản phẩm da bao gồm: da bán thành phẩm, da thuộc, da bó và da thành phẩm.
Trường hợp các sản phẩm da có chứa các thành phần khác như vải hay kim loại thì các yêu cầu của Leather Standard sẽ được kết hợp với Oekotex Standard 100. Chứng nhận này có giá trị trong vòng 1 năm.
Leather Standard by Oeko-Tex cũng định nghĩa sản phẩm ra làm 4 loại như Standard 100. Cả hai tiêu chuẩn này sử dụng các danh mục rất giống nhau về danh sách các loại hóa chất gây hại và các giá trị giới hạn. Riêng giới hạn của Chrom đối với da được điều chỉnh
2.5. Eco Passport by Oeko-Tex
Eco Passport by Oeko-Tex là một hệ thống chứng nhận cho các hóa chất dệt nhuộm. Ví dụ như: màu, chất tăng trắng quang học, chất chống tĩnh điện, chất kết dính, chất tẩy rữa… Nó được giới thiệu vào năm 2016. Các hóa chất được chứng nhận Eco Passport đạt các yêu cầu về sản xuất dệt may bền vững.
Quá trình chứng nhận gồm 2 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1: Sàng lọc. Các nhà sản xuát khai báo về thành phần sản phẩm được sàng lọc để tìm các chất được liệt kê trong danh sách SVHC (Substances of Very High Concern) của quy định REACH của EU hoặc danh sách các hóa chất bị hạn chế sử dụng trong sản phẩm dệt may (RSL – Restricted Substance List) của Standard 100 by Oeko-Tex và các quy trình sản xuất dệt may (MRSK – Manufacturing restricted substance list) trong STeP Standard. Tổng hợp các yêu cầu về ngưỡng nồng độ cho các nhóm hóa chất và các chất riêng lẻ được thể hiện trong Eco Passport Standard.
- Giai đoạn 2: Xác minh phân tích. Việc xác minh phân tích thành phần và ngưỡng giá trị giới hạn của các chất được thực hiện bởi các phòng thí nghiệm tại một viện thành viên của Oeko-Tex.
Chứng nhận Eco Passport by Oeko-Tex có thể được cấp cho các nhà sản xuất hóa chất, nhà thương mại, hoặc người bán lại. Chứng nhận này có thời hạn 1 năm.
III. Quá trình chứng nhận và kiểm nghiệm
3.1. Quá trình chứng nhận
Để một sản phẩm dệt may hoặc da giày được chứng nhận bởi Oeko-Tex, các nhà sản xuất phải cung cấp mẫu cho tất cả các thành phần (gồm cả các phụ liệu như nút, khóa kéo, chỉ may, đinh tán, nhãn mác, hình in…) để phân tích tại phòng thí nghiệm tại một trong các viện thành viên của Oeko-Tex. Sau khi thử nghiệm thành công, Oeko-Tex sẽ cấp chứng nhận và ký công bố sự phù hợp. Một phần của quá trình là đánh giá tại chỗ các công ty tại cơ sở sản xuất nơi các sản phẩm được chứng nhận. Đánh giá tại chỗ có thể thực hiện trước hoặc sau khi cấp chứng nhận. Kể từ đó, các cuộc kiểm toán sẽ được thực hiện ít nhất 3 năm một lần.
3.2. Kiểm nghiệm
Để xác minh sự tuân thủ các giá trị giới hạn được yêu cầu, Hiệp hội Oeko-Tex sẽ kiểm tra hàng năm với tối thiểu 25% của tất cả các chứng nhận Standard 100 và Leather Standard đã được cấp. Các cuộc kiểm tra đột xuất công ty sẽ không được báo trước. Các phòng thí nghiệm sẽ được kiểm tra đối với các mẫu sản phẩm đưuọc chứng nhận được mua từ các cửa hàng và các nhà máy sản xuất.
Tương tự, chứng nhận STeP cũng sẽ được kiểm tra tại các cơ sở mà không báo trước. Điều này để kiểm tra và đảm bảo các nhà sản xuất tiếp tục tuân thủ chứng nhận này.
IV. Các dịch vụ khác của Oeko-Tex
4.1. Dotex to Zero
Dotex to Zero là một dịch vụ của Oekotex đánh giá chất lượng quản lý hóa chất của các nhà máy dệt may và hóa chất được sử dụng. Ngoài ra nó cũng đánh giá hiệu suất nước thải và bùn thải. Báo cáo trạng thái Dotex to Zero không phải là một chứng chỉ. Đây là một cách để các nhà sản xuất nổ lực đạt được mục tiêu của chiến dịch Greenpeace Dotex, được một tổ chức độc lập xác minh, đánh giá và ghi nhận.
Dotex to Zero đánh giá việc quản lý hóa chất minh bạch và chuyên nghiệp, giảm và loại bỏ các chất độc hại từ quá trình sản xuất, cũng như chất lượng nước thải và bùn thải. Báo cáo này có thể được cấp cho các cơ sở sử dụng hóa chất để sản xuất, nhuộm, in, coating, xử lý các vật liệu dệt may và sản phẩm, các nhà may sản xuất nguyên phụ liệu ngành may mặc (nút, khóa kéo, nhãn).
Oekotex đã biên soạn danh sách các chất bị hạn chế trong sản xuất (Manufacturing Restricted Substances List – MRSL) cho Dotex to Zero đối với nước thải và bùn thải. Trọng tâm của chiến dịch Greenpeace Dotex là báo cáo giới hạn đối với hàm lượng của tất cả các chất riêng lẻ từ 11 nhóm chất.
Các công ty sẽ cung cấp thông tin và tài liệu đầy đủ lên website của Oeko-Tex. Đó là các mặt về quản lý hóa chất, bảo vệ môi trương, sức khỏe và an toàn cho người lao động cũng như tuân thủ các yêu cầu pháp lý liên quan đến khí thải, lưu trữ và xử lý hóa chất. Oeko-Tex yêu cầu sẽ yêu cầu các thông tin về:
- Một kho hóa chất hoàn chỉnh
- Tài liệu về quản lý hóa chất
- Thông tin và các kế hoạch ứng phó tình trạng khẩn cấp về tai nạn hóa chất
- Tài liệu chứng minh nhân viên đã đưuọc đào tạo về an toàn lao động
- Giấy phép về xả thải khí thải, điều hòa không khí, sử dụng nước và nước thải, sử dụng và lưu trữ các chất nguy hiểm
- Kết quả thử nghiệm nước thải và bùn thải từ một phòng thí nghiệm được công nhận.
Oeko-tex sẽ xem xét các thông tin và xác minh trong quá trình đánh giá tại chỗ ở cơ sở đó. Trạng thái Dotex to Zero báo cáo kết quả về mức độ tuân thủ các yêu cầu và những việc cần cải thiện thêm. Báo cáo này có giá trị trong 1 năm.
4.2. MySTeP by Oeko-Tex
MySTeP by Oeko-Tex là một trung tâm cơ sở dữ liệu của Oeko-Tex dùng để lưu trữ thông tin về các nhà cung cấp ở tất cả các giai đoạn của chuỗi cung ứng dệt may. Các nhà cung cấp có thể sử dụng MySTeP để quản lý chứng nhận Oeko-Tex và chuỗi cung ứng của mình. Đồng thời, họ cũng có thể thể hiện cho các khách hàng hiện tại và khách hàng tiềm năng. Họ có thể cho hiển thị các thông tin liên hệ, các chứng chỉ Oeko-Tex đạt được và báo cáo kiểm toán.
Các nhà sản xuất, các thương hiệu, các nhà bán lẻ có thể sử dụng MySTeP để quản lý các mối quan hệ với nhà cung cấp. Họ so sánh và lựa chọn những nhà cung cấp phù hợp với họ. Hoặc có thể dùng MySTeP để theo dõi và giám sát việc thực hiện các mục tiêu bền vững dọc theo chuỗi cung ứng của họ… Nhìn chung STeP của Oeko-Tex khá giống với ZDHC Gateway của ZDHC.
Việc sử cơ sở dữ liệu của MySTeP là bắt buộc nếu một nhà sản xuất muốn đăng kí chứng nhận Made in Green cho các sản phẩm của họ.
Lời kết
Vậy là chúng ta đã biết Oeko-Tex là gì rồi phải không nào! Oeko-Tex là tổ chức Quốc tế về Nghiên cứu và Thử nghiệm trong lĩnh vực Dệt may và Giày Da. Họ cung cấp các chứng chỉ hay chứng nhận như Chứng nhận Oeko-Tex 100, chứng nhận Made in Green, Leather Standard, Eco Passport, STeP by Oeko-Tex cho các nhà sản xuất, các cơ sở trong chuỗi cung ứng của ngành dệt may và da. Cùng với các tiêu chuẩn ISO ngành dệt may, tiêu chuẩn Bluesign, ZDHC, GOTs… thì Oeko-Tex là một trong những tiêu chuẩn không thể thiếu cho các công ty, doanh nghiệp muốn khẳng định mình và phát triển trong tương lai.