Xăng là gì? Nhắc đến xăng thì ai trong chúng ta cũng điều biết về nó. Chúng ta đã và đang tiêu thụ chúng mỗi giờ, mỗi ngày, mỗi năm với số lượng khủng khiếp. Tuy nhiên, không phải ai trong chúng ta cũng biết được nguồn gốc của nó. Xăng có từ đâu? Xăng có thành phần hóa học như thế nào? Xăng có những chỉ tiêu chất lượng nào cần phải quan tâm. Tất tần tật những thông tin này sẽ được giải đáp trong bài viết ngày hôm nay. Mời các bạn cùng tìm hiều về chủ đề thú vị và gần gũi ngày hôm nay nhé!
I. Xăng là gì
Xăng (gasoline) là một loại nhiên liệu có dạng lỏng, dễ cháy có nguồn gốc từ dầu mỏ. Xăng được sử dụng chủ yếu làm nhiên liệu cho hầu hết các động cơ đốt trong. Tên “xăng” bắt nguồn từ tiếng Pháp “essence” nên trước đây xăng còn được gọi là Ét-xăng. Đây là một hỗn hợp khá phức tạp gồm các chất hữu cơ. Xăng khi kết hợp với oxi sẽ cháy tạo ra hoạt động của động cơ đốt trong.
II. Thành phần hóa học của xăng
Xăng có thành phần khá phức tạp, gồm chủ yếu là các hợp chất hữu cơ thu được từ quá trình chưng chất dầu mỏ phân đoạn. Các chất hữu cơ này được chia làm 2 loại là hydrocacbon và phi hydrocacbon. Các hydrocacbon chủ yếu là: parafins (các alkan), olefins (các alken), naphthenes (là các hợp chất hydrocarbon tuần hoàn có công thức chung CnH2n), aromatics (là các hợp chất vòng thơm). Chính xác hơn, trong thành phần hóa học của xăng có khoảng 500 hydrocacbon khác nhau từ C3 – C12. Trong đó parafins, olefins và aromatics là thành phần chính của xăng thương phẩm
Xăng thương phẩm thường được lấy từ nhiều quá trình lọc hoá dầu khác nhau như chưng cất, cracking, reforming, alky hóa, polymer hóa, izome hoá…
Để tránh hiện tượng cháy quá sớm và hiện tượng kích nổ máy và làm giảm hiệu quả của động cơ đốt trong, xăng được thêm một số phụ gia như chì ethylene và một số chất khác. Chì ethylene là chất chống kích nổ cũng là chất làm tăng chỉ số octan. Hiện nay, hợp chất của chì này và một số hợp chất khác đã không còn được sử dụng do tính độc hại của nó. Tuy nhiên, chúng vẫn còn được sử dụng trong xăng cho xe hơi đua và xăng máy bay.
Các hóa chất khác có thể được thêm vào xăng để cải thiện độ ổn tính, tăng hiệu suất, kiểm soát sự ăn mòn và cung cấp hệ thống làm sạch nhiên liệu. Các hóa chất này có thể là ethanol, ETBE (Ethyl tert-butyl ether) hoặc MTBE (Methyl tert-butyl ether) để cải thiện quá trình đốt cháy.
Tùy vào từng loại xăng mà người ta sẽ pha trộn thêm các chất phụ gia cần thiết để giải quyết các vấn đề như:
- Không kích nổ
- Không tạo nút hơi
- Không đóng băng chế hòa khí
- Bật máy tốt
- Ít tạo cốc, tàn, nhựa…
III. Các chỉ tiêu chất lượng của xăng
Bạn đã biết xăng là gì và thành phần của nó ra sao. Vậy xăng có những chỉ tiêu chất lượng nào cần phải quan tâm. Cùng xem ngay dưới đây nhé!
3.1. Tính chống kích nổ
Hiện tượng cháy trong động cơ có thể xảy ra 2 trường hợp: cháy bình thường và cháy kích nổ. Chỉ số octan của xăng thể hiện tính chống kích nổ của xăng. Xăng có chỉ số octan càng cao thì tính chống kích nổ càng cao và ngược lại. Xăng có chỉ số octan cao dùng cho các loại động cơ có tỉ số nén cao.
Nếu các xe có tỉ số nén cao mà dùng xăng có chỉ số octan thấp thì sẽ xảy ra tình trạng cháy kích nổ. Nếu sử dụng xăng có chỉ số octan cao cho xe có tỉ số nén thấp cũng gâu ra tình trạng xăng khó cháy, cháy ko hết, tạo cặn than làm hao xăng, bẩn máy.
3.2. Tính ổn định hóa học cao
Tính ổn định là khả năng ổn định về mặt hóa học trước những tác động của môi trường xung quanh. Tính ổn định của xăng bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố: nhiệt độ, diện tích tiếp xúc với không khí, mức độ tồn chứa, thời gian tồn chứa, độ sạch và khô của vật chứa… Xăng có hàm lượng keo nhựa càng cao thì độ ổn định càng thấp và ngược lại.
3.3. Tính bay hơi thích hợp
Muốn cháy được xăng cần kết hợp với oxi trong máy. Với một lượng oxi vừa đủ, quá trình cháy sẽ đạt được hiệu suất cao nhất. Đối với động cơ đốt trong, xăng và oxi được trộn với nhau thông qua bộ chế hòa khí. Nếu xăng bay hơi không thích hợp thì động cơ không phát huy hết công suất, làm hao xăng và gặp phải những sự cố như:
- Ngộp xăng (sặc xăng)
- Ngẹt xang hay nút hơi.
3.4. Không ăn mòn, không nước và tạp chất cơ học
Trong xăng có các hợp chất của lưu huỳnh, các axit… và một số chất khác có khả năng ăn mòn kim loại. Ngoài ra, xăng còn có khả năng lẫn các tạp chất như:
- Nước, hơi nước thâm nhập vào xăng trong quá trình xuất, nhập, tồn…
- Tạp chất cơ học: cát, bụi, các phụ gia… có trong quá trình bơm rót, vận chuyển và sản xuất.
IV. Các loại xăng trên thị trường hiện nay
Trên thị trường Việt Nam hiện nay có hai loại xăng đang được lưu hành là xăng RON 95 và xăng sinh học E5. Xăng RON 92 đã ngừng bán từ ngày 1/1/2018 trên toàn quốc. Dưới đây là thông tin đôi nét về các loại xăng trên thị trường Việt Nam.
4.1. Xăng RON 95 (xăng A95)
Xăng RON 95 có màu vàng đất, có mùi được sử dụng cho phương tiện có tỉ số nén trên 9,5/1 như các xe hơi đời mới, xe đua. Xăng RON 95 có chỉ số octan là 95.
4.2. Xăng sinh học E5
Xăng sinh học E5 là hỗn hợp của xăng RON 92 pha 5% ethanol. Ethanol được sử dụng như một loại phụ gia để thay thế cho phụ gia chì trong xăng. Xăng E5 được bán rộng rãi từ ngày 1/1/2015. Tuy nhiên loại xăng này không thích hợp cho xe moto có tỉ số nén cao, xe tay ga. Các loại xe tay ga và xe hơi mà nhà sản xuất bắt buộc dùng xăng RON 95 thì không nên dùng xăng E5.
4.3. Xăng RON 92 (xăng A92)
Xăng RON 92 có màu xanh lá, mùi đặc trưng, được sử dụng cho các phương tiện có chỉ số nén dưới 9.5/1. Xăng RON 92 có chỉ số octan là 92.
Ngoài 3 loại xăng kể trên thì trước đây Việt Nam còn có xăng RON 83 (xăng có chỉ số octan 83). Ngày 19/9, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có văn bản chính thức đồng ý ngừng sản xuất, lưu thông xăng không chì RON 83 từ ngày 1/1/2014. Nguyên nhân là do tình trạng gian lận pha trộn xăng RON 83 vào xăng RON 92, RON 95 để thu lợi bất chính. Như vậy hiện nay trên thị trường Việt Nam chỉ còn lưu hành 2 loại xăng là RON 95 và xăng sinh học E5.
Lời kết
Vậy là chúng ta đã tìm hiều được bản chất xăng là gì rồi phải không nào. Mình nghĩ những thông tin trên đây khá lý thú và bổ ích. Hàng ngày chúng ta sử dụng xăng cho xe máy, xe hơi… nhưng đôi khi chúng ta ít để ý đến nó. Hi vọng bài viết này hữu ích với các bạn.